Thanh nhạc là gì? Hiểu về thanh nhạc trong 1 phút

Trong các bài viết trước, Wings Production có đề cập đến hai bộ phận cấu thành âm nhạc là thanh nhạc và khí nhạc. Nếu khí nhạc là âm nhạc được phát ra bởi các loại nhạc cụ thì thanh nhạc là âm nhạc sinh ra bởi giọng hát của con người. Học thanh nhạc là bước đầu tiên để trở thành ca sĩ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về khái niệm thanh nhạc nhé!

Thanh nhạc là gì? Tìm hiểu về thanh nhạc

Thanh nhạc là gì
Tìm hiểu về thanh nhạc.

Bạn đã biết đến các loại nhạc cụ như đàn piano, đàn guitar, sáo, trống… Thế nhưng bạn có biết, giọng hát của con người cũng được xem là một loại nhạc cụ đặc biệt không? 

Không giống với các loại nhạc cụ thông thường, giọng hát con người là nhạc cụ duy nhất có thể phát ra tiếng nói. Chính nhờ sự kết hợp với ngôn ngữ mà giọng hát có thể truyền đạt ca từ và thông điệp của bài hát – điều mà các phím đàn không thể. Vì vậy, một bộ môn khoa học được lập ra để nghiên cứu về giọng hát, hay cụ thể hơn là thứ âm nhạc do giọng hát phát ra. Và thanh nhạc chính là một bộ môn như thế. 

Về định nghĩa, thanh nhạc là bộ môn khoa học trừu tượng chuyên nghiên cứu âm thanh do bộ máy phát âm của con người tạo ra. Các âm thanh này không chỉ dừng lại đơn thuần ở phạm vi âm thanh mà đã được chuyển hóa thành âm nhạc, tức là có cao độ, nhịp điệu… các yếu tố đặc trưng của âm nhạc.

Hiểu một cách đơn giản, thanh nhạc giúp bạn hiểu và vận dụng tốt giọng hát của mình để ứng dụng vào việc ca hát. Thanh nhạc là bước cơ bản cho tất cả những ai mới bước chân vào nghề hát, cũng như cực kỳ hữu ích với bất kỳ ai muốn cải thiện giọng nói.

Tìm hiểu thêm về: cách luyện giọng tại nhà hiệu quả

Bộ máy phát âm trong thanh nhạc

Bộ máy phát âm trong thanh nhạc
bạn dễ dàng phát ra giọng nói.

Đến đây hẳn bạn sẽ thắc mắc, bộ máy phát âm được nhắc đến trong định nghĩa về thanh nhạc là gì? Chà, nghe cầu kỳ thế thôi chứ thực ra khái niệm này đơn giản lắm. Wings sẽ giải thích cho bạn ngay bây giờ đây!

Thử quan sát quá trình bạn phát âm. Bạn cho rằng âm thanh của mình đến từ đâu? Câu trả lời là bộ máy phát âm! Đây là một hệ thống cực kỳ tinh vi và phức tạp bên trong cơ thể giúp bạn dễ dàng phát ra giọng nói:

  1. Bộ phận lấy hơi (hô hấp): Để cất tiếng nói hay tiếng hát, trước hết bạn cần có hơi thở. Bộ phận lấy hơi bao gồm tất cả các cơ quan liên quan đến hơi thở như mũi, khí quản, phổi, cơ hoành co ra giãn vào…
  2. Bộ phận phát thanh: Bao gồm hai dây thanh quản (còn gọi là thanh đới). Đây là cơ quan đóng vai trò chủ yếu trong việc phát ra âm thanh.
  3. Bộ phận cộng hưởng: Trước khi được truyền ra bên ngoài cơ thể, âm thanh sinh ra được cộng hưởng với các khoảng trống bên trong nhằm tạo độ vang. Các bộ phận đóng góp vào quá trình cộng hưởng này là miệng, mũi, yết hầu.
  4. Bộ phận nhả chữ: “Vo tròn” âm thanh phát ra thành từng con chữ là công trạng của các cơ quan nhả chữ, mà cụ thể là hai vành môi, khuôn miệng, lưỡi và cổ họng. 

Những bài học căn bản trong thanh nhạc

Môn học nào cũng có những bài học bắt buộc, thanh nhạc cũng thế. Tuy nhiên, vì là môn học chuyên về phần hát nên những bài học căn bản của thanh nhạc sẽ rất khác, không giống cộng trừ nhân chia trong Toán hay chính tả trong Tiếng Việt đâu!

Cách điều khiển hơi thở và lấy hơi

cách lấy hơi
Cách điều khiểu hơi thở.

Hơi thở là thứ vô cùng quan trọng trong ca hát, vì hơi thở là bước đầu tiên sinh ra tiếng hát. Để Wings kiểm chứng nhanh cho bạn thấy: có phải hơi yếu thì không thể hát to, hết hơi thì tiếng hát cũng tắt? Thế mới nói, mấu chốt để điều khiển giọng hát nằm một phần ở điều khiển hơi thở.

Cũng chính vì lý do này mà hơi thở là một trong những bài học cốt lõi của thanh nhạc. Các giáo viên thanh nhạc sẽ giúp bạn tập lấy hơi, giữ hơi, nhả hơi sao cho tốt để giọng nói của bạn được liền mạch, vang vọng. Ví dụ về một số kỹ thuật lấy hơi bao gồm tư thế đứng, cách lấy hơi bụng, các bài tập “xì”…

Bạn không biết cách để hát hay? Cùng tìm hiểu Tại dây nhé!

Cách phát âm rõ ràng, tròn chữ

Cách phát âm
Phát âm trong thanh nhạc.

Vì giọng hát là sự giao thoa giữa âm nhạc và ngôn ngữ, việc luyện hát không thể thiếu vắng luyện phát âm. Cách phát âm có ảnh hưởng tới việc thể hiện bài hát, ngoài ra còn được dùng để điều chỉnh luồng âm thanh phát ra bên trong cổ họng. Các ca sĩ đều có kỹ thuật phát âm sao cho lời bài hát của mình được truyền tải thật ấn tượng, đẹp đẽ.

Các bài tập phát âm hầu hết sẽ liên quan đến khẩu hình và lưỡi. Tham dự lớp phát âm của khóa thanh nhạc, bạn sẽ học các loại khẩu hình, cách mở khẩu hình, khẩu hình cho từng âm tiết, cách điều khiển lưỡi để giọng hát âm vang tốt nhất…

Để hát được nốt cao bạn với Wings cùng tìm hiểu: Cách hát nốt cao tròn trịa và rõ ràng nhé!

Luyện thanh – luyện cao độ, nhịp độ

Luyện thanh, luyện cao độ
Luyện thanh trong thanh nhạc.

Bài học căn bản cuối cùng của thanh nhạc bên cạnh hít thở và phát âm chính là luyện thanh. Kết hợp với hai bài học trước, luyện thanh là bài tập sẽ nâng cao kỹ thuật hát của bạn nhanh chóng, từ một người hát lệch lạc, không biết hát thành người hát đúng cao độ, biết ngân biết luyến. 

Dụng cụ thiết yếu nhất định phải có trong một lớp luyện thanh chính là đàn. Để hát đúng cao độ, bạn cần phải tập với một nhạc cụ được căn chỉnh và có độ chính xác cao như đàn piano. Các bài tập luyện thanh thường là hát theo tiếng đệm đàn, hát theo quãng từ Đồ đến Đố hay luyện thanh theo kiểu Mi – Ma…

Luyện thanh cũng giúp nâng cao hát giọng gió của bạn cùng tìm hiểu nhé: Cách hát giọng gió cực chuẩn như Karaoke

Các lớp thanh nhạc dành cho ai?

Lớp thanh nhạc dành cho ai
Lớp thanh nhạc dành cho những ai.

Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng thanh nhạc hay các lớp chuyên về âm nhạc chỉ dành cho những người có năng khiếu, những ai dự định theo đuổi đam mê âm nhạc. Trên thực thế không phải như vậy. Âm nhạc vốn dành cho tất cả mọi người. Âm nhạc đã có sẵn trong huyết quản của chúng ta và chỉ chờ được khai phá.

Ở các nước phát triển, hầu như ai cũng có thể chơi một loại nhạc cụ, các lớp luyện thanh cũng khá phổ biến. Ở Việt Nam, các giờ học âm nhạc trên trường lớp phổ thông còn tương đối đơn giản và sơ sài. Chính vì thế, tầm quan trọng của thanh nhạc thường được đánh giá thấp.

Nhà Wings cho rằng ứng dụng của thanh nhạc rất rộng rãi và bất cứ ai cũng có thể học thanh nhạc, không riêng gì những người đam mê âm nhạc. Từng có người chia sẻ: tuy rằng không đi theo âm nhạc, khóa học thanh nhạc ở nhạc viện đã giúp ích rất nhiều trong công việc và cuộc sống. 

Chẳng hạn, nhờ thanh nhạc mà ta có thể tự tin giao tiếp, làm chủ giọng nói của mình và thuyết phục người khác. Ít người biết giọng nói cũng là một ma lực to lớn. Những người có giọng nói hay và truyền cảm dễ gây được ấn tượng cho người khác. 

Hoặc giả, thanh nhạc có thể giúp bạn chinh phục mọi sự kiện hát công cộng từ karaoke đến đám cưới. Bạn sẽ không còn sợ ai cười chê giọng hát của mình nữa, vì bạn đã bỏ thời gian ra để rèn luyện!

Trong trường hợp bạn quyết tâm theo đuổi niềm đam mê âm nhạc thì thanh nhạc là khóa học nhất định phải tham dự. Như Wings đã nói ở trên, thanh nhạc là nền tảng căn bản để tiếp tục tiến bước trên con đường âm nhạc. Các ca sĩ có thể hát hay được như vậy đều nhờ vào thanh nhạc, nhờ công sức bỏ ra luyện tập và mài giũa giọng hát.

Nhà bác học thiên tài Thomas Edison từng nói: “Thiên tài là 1% năng khiếu và 99% luyện tập”. Năng khiếu tuy đóng vai trò quan trọng trong ca hát nhưng không phải là tất cả. Người có năng khiếu cũng phải cố công rèn luyện mới có ngày thành tài. Chính vì vậy, nếu âm nhạc là tiếng gọi của bạn, đừng ngần ngại đăng ký lớp thanh nhạc ngay nhé!

Trên đây là giới thiệu về khái niệm thanh nhạc, các bài học căn bản của thanh nhạc và lý do vì sao bạn nên tham gia một lớp luyện thanh. Hy vọng bài viết giúp bạn hiểu rõ hơn khái niệm thanh nhạc là gì và có thêm động lực học thanh nhạc!

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo một số bài quảng cáo, thu âm bài hát các tông giọng đọc hay của Wings Production trước đó qua: https://wings.com.vn/phong-thu-am-chuyen-nghiep-chat-luong-hang-dau-tphcm/